Tổng thống Hoa Kỳ và ngân hàng JP Morgan đã thành lập Panama như thế nào: và biến nó thành một thiên đường thuế
Năm 1903, Mỹ đã ép buộc Colombia nhượng lại một tỉnh mà nay là Panama. Kế hoạch là thành lập một quốc gia phục vụ cho những lợi ích của Wall Street.
Các xe lửa hơi nước đào kênh của kênh đào Panama vào năm 1913. Hoa Kỳ đã hiện thực hóa nền độc lập của Panama để đảm bảo quyền sử dụng kênh đào. Ảnh: Alamy
Đây là một câu chuyện dài. Nhà nước Panama được thành lập ban đầu để hoạt động nhân danh những người giàu có và tự tư tự lợi của thế giới này – hay đúng hơn là tiền thân của họ ở Mỹ – khi thế giới vừa bước sang thế kỷ 20.
Panama đã được Hoa Kỳ thành lập vì những lý do thuần túy thương mại ích kỷ, ngay bên lề lịch sử giữa sự sụp đổ sắp xảy ra của nước Anh như một đế chế toàn cầu to lớn, và sự trỗi dậy của một đế chế mới ở Mỹ.
Ken Silverstein
Theodore Roosevelt (1858-1919)
Nhà văn Ken Silverstein đặt vấn đề trên với một sự đơn giản đáng mến trong một bài báo trên tạp chí Vicehai năm trước đây: "Năm 1903, chính quyền của Tổng thống Theodore Roosevelt đã thành lập đất nước này sau khi ép buộc Colombia nhượng lại một tỉnh mà nay là Panama. Roosevelt đã hành động theo mệnh lệnh của nhiều tập đoàn ngân hàng, trong đó có JP Morgan & Co, được chỉ định làm "cơ quan quản lý tài khóa" của đất nước, phụ trách việc quản lý 10 triệu đô-la tiền viện trợ mà Hoa Kỳ đã vội vàng thông qua cho quốc gia mới này".
Lý do, tất nhiên, là để đạt được quyền sử dụng, và kiểm soát, con kênh bắt ngang qua eo đất của Panama sẽ được khánh thành vào năm 1914 để kết nối hai đại dương lớn của thế giới, và con đường thương mại bằng đường biển.
David Bushnell (1923-2010)
Giới tinh hoa của Panama đã sớm hiểu được rằng tương lai của họ sẽ sinh lợi nhiều hơn nếu dễ dãi với người bạn xa xôi giàu có hơn là thuộc một thành phần của Nam Mỹ. Số tiền mà Công ty Đường sắt Panama Railroad Company trả hàng năm vào kho bạc của Colombia nhiều hơn số tiền mà Panama có được từ Bogotá, và có nhiều khả năng tỉnh này sẽ ly khai dù thế nào đi nữa – dùkhông có hiệp ước được ký kết vào tháng 9 năm 1902 cho phép người Mỹ xây dựng một con kênh theo những điều khoản, mà như David Bushnell, nhà sử học hàng đầu về đất nước Columbia bằng tiếng Anh đã viết, "phản ánh một cách chính xác vị thế đàm phán yếu kém của các nhà đàm phán người Colombia".
Vào thời điểm đó, Colombia bị chia r bởi điều được gọi là "cuộc chiến nghìn ngày" giữa các đảng Tự do và Bảo thủ Lịch sử của họ. Panama là một trong những chiến trường cho các giai đoạn sau của cuộc chiến.
Hiệp ước về kênh đào được "cách mạng Panama" theo dõi sát sao, cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi một người khởi xướng người Pháp và được hỗ trợ bởi điều mà Bushnell gọi là "sự đồng lõa hiển nhiên của Hoa Kỳ" – và được giúp sức bởi các điều khoản của hiệp ước về kênh đào cấm sự hiện diện của quân đội Colombia, vì lo sợ họ sẽ làm phiền việc tự do quá cảnh hàng hoá.
Giao kết giữa tổng thống Roosevelt và ngân hàng JP Morgan trong việc thành lập một nhà nước mới là một giao kết trực tiếp. Các thủ tục giấy tờ sẽ được đảm nhiệm bởi William Cromwell, một luật sư thuộc Đảng Cộng hòa thân với chính quyền, người cũng đóng vai trò là cố vấn pháp lý cho ngân hàng JP Morgan.
Ngân hàng JP Morgan lãnh đạo các ngân hàng Mỹ trong việc dần dần biến Panama thành một trung tâm tài chính – và một thiên đường trốn thuế và rửa tiền – cũng như sự thông thương vận chuyển đường biển, mà các thông lệ thực hành hòa quyện vào nhau lúc đầu khi mà Panama bắt đầu đăng ký các tàu biển nước ngoài chuyên chở nhiên liệu cho công ty Standard Oil để giúp công ty này trốn tránh các nghĩa vụ thuế của Hoa Kỳ.
Núp sau cánh gà của sân khấu Standard Oil, Panama bắt đầu phát triển hệ thống mê cung của việc thành lập các công ty miễn thuế – đặc biệt liên quan đến việc đăng ký vận chuyển hàng hải – với sự giúp đỡ và hướng dẫn từ Wall Street, đúng vào thời điểm Hoa Kỳ và châu Âu rơi vào cuộc Đại khủng hoảng. Việc đăng ký, ví dụ, chào đón các tàu khách Hoa Kỳ được phép phục vụ rượu trong thời kỳ của lệnh cấm nấu và bán rượu.
Tổng thống Roosevelt ngồi trên một chiếc máy ủi đất lớn của Mỹ tại Culebra Cut, trên kênh đào Panama vào năm 1906. Ảnh: Alamy
Henry Morgenthau (1891-1967)

Trong cuốn sách có ảnh hưởng của mình về quyền thực thi pháp lý ở nước ngoài,Treasure Islands (Quần đảo châu báu), Nicholas Shaxson viện dẫn một lá thư từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Henry Morgenthau phản đối đến Franklin D Roosevelt, một người trùng tên rất khác biệt với Theodore Roosevelt, về "những điều kiện thật nghiêm trọng cần có phản ứng ngay". Ông than phiền về những người trốn thuế sử dụng đến "tất cả các mưu chước" ở những nơi "có mức thuế thấp và luật công ty lỏng lẻo", trong đó có Panama và Bahamas.
Nicholas Shaxson (1966-)
Cuốn sách của Shaxson truy tìm chuyện nước Mỹ loại bỏ mọi sự dè dặt đối với việc che giấu tiền: "Trong khi sự mở rộng các công ty ở nước ngoài tăng tốc, sự xói mòn trong lòng nước Mỹ cũng tăng tốc."
Vì vậy, đến những năm 1970, khi chính phủ Mỹ thắt chặt các kẻ hở trốn thuế, thì Panama bước vào loại dịch vụ trọn gói mà chúng ta đã thấy trong tuần qua. Số tiền gửi ngân hàng tăng vọt, từ những số tiền nhỏ lúc đầu vào năm 1970 thành những số tiền lên đến 50 tỷ đô-la vào năm 1980, theo tổ chức Tax Justice Network (Mạng lưới công bằng thuế khóa). Và đó mới chỉ là sự khởi đầu, một sự thay đổi nhỏ.
Cùng lúc đó, có hai hiệp ước đã được ký kết vào năm 1977: một hiệp ước cho phép quân đội Hoa Kỳ toàn quyền hành động để bảo vệ kênh đào, và một hiệp ước khác đồng ý trao chủ quyền hàng hải cho Panama vào năm 1999.
Manuel Noriega (1934-)
Pablo Escobar (1949-1993)
Tuy nhiên, vào năm 1983, hệ thống có một phản ứng ngược nhỏ: Tướng Manuel Noriega nắm chính quyền. Trong nhiều năm, ông là người hưởng lợi và là viên chức phục vụ cho CIA, nhưng ông cho rằng sự giàu có của Panama thậm chí còn nhiều hơn nếu nằm trong một liên minh với Medellín, cartel buôn bán ma túy của Pablo Escobar. Vì vậy, vào năm 1989, Hoa Kỳ đã quay trở lại về mặt quân sự, như tám thập niên trước đây, và – như Silverstein đã viết – "các giới tinh hoa ngân hàng ngày xưa đã trở lại nắm quyền, những người thừa kế di sản của JP Morgan".
Những hồi tưởng về thời ấy trong một cuốn sách có tựa đề The Infiltrator (Người xâm nhập) của Robert Mazur, người đã thâm nhập cartel của Escobar để truy tố thành công ngân hàng BCCI, ngân hàng đã xử lý phần lớn số tiền của hắn, là đáng chú ý. Thảo luận về thiên đường thuế với Amjad Awan một viên chức của ngân hàng BCCI, Awan nói với Mazur: "Vâng, hãy đặt vấn đề theo cách này. Ở Panama, chúng tôi không phải e ngại bất cứ điều gì bởi vì luật pháp của đất nước cho phép làm điều đó. Bất cứ ai cũng có thể bước vào ngân hàng và ký gửi 10 triệu đô-la tiền mặt – tốt. Chúng tôi nhận tiền. Đó là công việc kinh doanh của chúng tôi".
Awan liệt kê tên của các ngân hàng lớn của Mỹ vẫn thống trị phố Wall, cho biết thêm: "Chúng tôi làm điều đó có thể theo hình thức nhỏ hơn, nhưng mỗi ngân hàng đều làm điều đó."
Mặc dù "Panama là một trong những thiên đường thuế nhếch nhác nhất thế giới, nó chỉ là một phần của một hệ thống toàn cầu lớn hơn", Shaxson nói. "Vương quốc Anh điều hành một mạng lưới toàn cầu các vùng lãnh thổ ở nước ngoài và các thuộc địa hoàng gia, trong đó có một số các thiên đường thuế lớn nhất thế giới."
John Christensen, giám đốc của tổ chức Tax Justice Network (Mạng lưới Công bằng Thuế khóa), cho biết: "Điều quan trọng là phải thừa nhận các công ty luật ở nước ngoài như công ty Mossack Fonseca không hoạt động đơn lẻ; họ dựa vào các trung gian, thường là các công ty luật hoặc các ngân hàng khác, để giới thiệu khách hàng và hỗ trợ cho họ các cấu trúc phức tạp xuyên biên giới".
Barbara Bush (1925-)
Lịch sử có cách lặp lại của nó một cách mỉa mai, và trong những năm đầu của thế kỷ 21 chắc chắn có hai vấn đề, vang vọng nguồn gốc hình thành của Panama.
Vấn đề thứ nhất là người trở thành chủ tịch công ty Standard Oil trong những ngày đầu của hoạt động trốn thuế – William Stamps Farish II – có người cháu trai, William Farish III, người đã trở thành một trợ lý và cấp phó chủ chốt của triều đại tổng thống Bush; ông ta "gần giống như gia đình", Barbara Bush nói, và trở thành đại sứ Mỹ tại London thời tổng thống Bush con George W Bush. (Cùng thời gian trên, ngân hàng JP Morgan đã thuê một nhóm các đại sứ và cố vấn lừng danh của cựu thủ tướng Tony Blair, ít thanh thế hơn đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Bush.)
Ed Vulliamy (1954-)
Rồi còn có vấn đề này: trong số các nhân tố làm cho đế chế mới của thế kỷ 20 dễ bắt nạt Colombia nhượng lại kênh đào Panama là nếu Panama không có được kênh đào, Nicaragua sẽ nhảy vào thế chỗ vị thế này. Ngày nay, một thế kỷ sau, Nicaragua cũng sẽ tiến hành đàm phán để có được một kênh đào, được trả tiền và kiểm soát bởi một cường quốc muốn nhảy vào theo chân đế chế Mỹ – Trung Quốc.
Ed Vulliamy là nhà báo viết cho Guardian và Observer, và là tác giả của cuốnAmexica: War Along the Borderline.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch